Rối loạn cương dương là một rối loạn chức năng tình dục ở nam giới có biểu hiện dương vật không đủ hay không giữ được độ cứng làm mất khả năng đi vào âm đạo khi giao hợp.
Ngoài ra, rối loạn cương dương còn là hiện tượng dương vật bị mềm sớm, trước khi xuất tinh; thiếu cảm hứng tình dục; không xuất tinh; xuất tinh sớm; thiếu hay mất cực khoái. Hay nói cách khác, độ cương cứng của dương vật không đủ để tiến hành cuộc giao hợp một cách trọn vẹn.
Có nhiều nguyên nhân gây ra rối loạn cương dương (RLCD)
Nguyên nhân sinh lý: Một số bệnh lý mạn tính là nguyên nhân gây ra RLCD: đái tháo đường, tim mạch… Bệnh xơ cứng động mạch, bệnh tim hoặc tai biến mạch não, tăng huyết áp và cholesterol cao đều tác động đến máu chảy vào và chảy ra khỏi dương vật. Bệnh tim mạch là nguyên nhân thể chất thông thường nhất của rối loạn cương dương… Do mất cân bằng nội tiết tố: sự giảm sút testosteron là nguyên nhân gây ra RLCD. Do phẫu thuật: Phẫu thuật ung thư ruột kết hoặc tuyến tiền liệt và ngay cả xạ trị tại vùng xương chậu có thể gây tổn hại cho các dây thần kinh kích thích sự cương cứng và mạch máu, gây RLCD…Chấn thương: tổn thương cột, tủy sống, gãy xương chậu… cũng là nguyên nhân dẫn tới RLCD.
Nguyên nhân tâm lý: Sự căng thẳng (stress). Các rối loạn lo âu, trầm cảm. Nỗi sợ hãi về sự thất bại trong quan hệ tình dục, những vấn đề trong quan hệ vợ chồng… đều là nguyên nhân dẫn đến RLCD.
Nguyên nhân do lối sống: Béo phì.Uống rượu hay hút thuốc lá nhiều. Lạm dụng các chất gây nghiện…
Nguyên nhân do tác dụng phụ của thuốc: Một số loại thuốc khi được sử dụng trong thời gian dài sẽ phát sinh các tác dụng phụ gây RLCD như: thuốc kiểm soát huyết áp, thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần…
Vấn đề cuối cùng và phổ biến nhất mà hầu như chàng trai trẻ nào cũng mắc phải được gọi là “hiệu ứng khiêu dâm”. Khi xem những sách báo hoặc phim ảnh khiêu dâm, nam giới sẽ có một cảm giác mới lạ và bị kích thích tột cùng (nguyên nhân là do lượng dopamin – hợp chất gây ra những kích thích não bộ tăng vọt). Và điều gì cũng có mặt trái của nó. Nếu xem quá nhiều những hình ảnh đó, cảm giác và cảm xúc của chàng sẽ bị bào mòn và kèm theo rất nhiều những hệ lụy khác. Cụ thể trong trường hợp này là anh ấy khó có thể đạt được trạng thái cương cứng nếu không có những sự kích thích “mát mẻ” cực mạnh tương tự trước mắt.
Cách nào đối phó với RLCD?
RLCD là vấn đề lớn của tình dục. Chuyện gì sẽ xảy ra khi bạn tình đang rất hào hứng còn chàng lại gặp rắc rối liên quan đến vấn đề “trên bảo dưới không nghe”? Trước hết, đối tác tình dục được khuyên đừng làm gì khiến anh ấy cảm thấy bị tổn thương và tự ti. Thông thường, phản ứng tệ nhất mà phụ nữ có thể làm lúc này là tức giận, bỏ mặc chàng rồi đi ngủ. Việc này không chỉ làm chị em không vui mà còn khiến anh ta căng thẳng và lo lắng gấp bội.
Thay vì như thế, bạn hãy cho chàng biết chuyện đó thực sự không phải là vấn đề quá lớn đối với bạn, bản thân mình vẫn rất hào hứng sex với anh ấy. Sau đó, đừng tập trung sự chú ý đến “cậu nhỏ” nữa mà hãy tạo cảm hứng cho cả hai bằng những cử chỉ âu yếm, thân mật khác. Hãy cố gắng làm “chuyện ấy” chậm lại để giúp chàng giảm bớt căng thẳng và xoa dịu nỗi lo trong lòng đồng thời cảm thấy bạn gái vẫn đồng cảm và sẵn sàng chia sẻ với mình.
Lời khuyên của thầy thuốc
Với áp lực cuộc sống và bị nhiều yếu tố tâm lý khác đè nặng, không ít nam giới đã từng mắc RLCD trong một thời gian nhất định, ngay cả khi còn trẻ. Đó là điều rất bình thường. Khi mọi chuyện được cân bằng lại thì chứng RLCD sẽ tự rút lui. Tuy nhiên, nếu vấn đề cứ tái diễn nhiều lần thì tốt hơn hết là bạn nên có một cuộc nói chuyện thẳng thắn với anh ấy. Hãy chọn một thời điểm ít nhạy cảm (tránh những lúc hai người đang gần gũi) để đề cập đến chuyện này. Trong khi trò chuyện, hãy để chàng cảm nhận được rằng bạn đang rất thông cảm và không hề có ý làm tổn thương anh ấy. Nên động viên chàng tập thể dục đều đặn bằng các môn phù hợp sức khỏe như: chạy nhẹ, chơi cầu lông, bơi lội, yoga, thiền… Nam giới nên bỏ hẳn rượu bia, thuốc lá (nếu có sử dụng). Trong trường hợp bạn đã thử tất cả mọi cách nhưng vẫn không hiệu quả thì tốt nhất bạn nên khuyên chàng đến gặp bác sĩ để được tư vấn, chữa trị sớm nhất có thể.
Theo Suckhoedoisong