Rất nhiều người bị tổn thương nặng do nhầm lẫn vết kiến 3 khoang với bệnh zona thần kinh, giời leo, cộng với họ tự mua thuốc bôi, tự chữa theo dân gian đã làm vết tổn thương loét sâu. Hậu quả là việc điều trị tốn nhiều thời gian, có khi hơn 1 tháng mà còn để lại vết thâm rất mất thẩm mỹ trong thời gian dài.
Giời leo: Là da bị bỏng do chất acid photpho hữu cơ của côn trùng bọ giời, gây sưng đỏ, rát… Vị trí xuất hiện đa dạng, nhưng chỉ sau 5- 7 ngày là khỏi.
Thương tổn giời leo. Ảnh minh họa
Thương tổn zona. Ảnh minh họa
Bệnh zona thần kinh: Hay gặp ở người từng bị thủy đậu (do virus thủy đậu tái hoạt động khiến các dây thần kinh cảm giác dưới da bị tổn thương, gây đỏ, ngứa, đau nhức, mủ trắng trên da). Vị trí xuất hiện thường chỉ ở một bên cơ thể như lưng, mặt…
Triệu chứng zona thần kinh gặp đầu tiên là:
– Tự dưng đau nhức nhối dọc theo dây thần kinh nửa bên người (nơi vùng da sắp nổi thương tổn), cục bộ sẽ phát ngứa, nóng rát, đau nhức dữ dội.
– Các bọng nước to lõm ở giữa, hoặc mọc thành chùm mụn nước rất đặc trưng, xuất hiện ở một bên cơ thể, làn dần và đỏ ửng, tổn thương phân bổ quanh dây thần kinh,
– Đau dữ dội thần kinh, đau đầu, đau nửa đầu, kèm sưng hạch bạch huyết vùng lân cận. Trẻ em đau nhẹ, hoặc không đau. Nhưng người già đau rất dữ dội.
Nếu không bị viêm nhiễm, các nốt mụn trong suốt sẽ vẩn đục, khô và đóng vẩy. Khi khỏi tạm thời vẫn lưu lại sắc tố trên da và có thể tái nhiễm sau vài tháng, vài năm do chức năng miễn dịch bị thiếu hụt tiềm ẩn.
Tổn thương da của bệnh zona thần kinh thường chỉ bị một nửa người, không bao giờ bị cả hai bên.
Kiến 3 khoang: Bị cả hai bên, hoặc bị nhiều nơi ở vùng da hở (mặt, cổ, ngực, vai, gáy…) và sẽ tiếp tục tiến triển, cơ thể râm ran khó chịu.
12-24 giờ sau khi xuất hiện vết đỏ rát do kiến 3 khoang sẽ xuất hiện thương tổn điển hình (da rát bỏng, phồng rộp thành vệt, hoặc đám, nổi mụn nước ở giữa, trẻ con có thể sốt nhẹ, nổi hạch…). Nếu ngứa gãi sẽ lan ra vùng da lành, vùng nếp gấp.
– Sau 3 ngày thương tổn đỡ rát bỏng, bong vảy. Sau 5-7 ngày vảy bong hết nhưng vết rát sẽ thâm rất lâu.
Bị kiến 3 khoang gây tổn thương, cần sơ cứu ngay bằng cách rửa cồn 70, 90 độ, Betadine, hoặc rửa xà phòng 3 lần rồi xịt nước hoa… thật kỹ để giảm phần lớn nổi bọng nước.
Nếu không thấy kiến 3 khoang, nhưng da tự dưng nổi các vết ban đỏ, lấm tấm mụn nước thì nên nghi bị kiến 3 khoang gây tổn thương, cần rửa ngay vùng da đó bằng nước muối sinh lý 3-4 lần/ngày để trung hòa chất tiết của côn trùng.
Nên đi khám sớm để bác sĩ điều trị đúng, và nếu vết tổn thương nặng sẽ được dùng thuốc kháng histamin, kháng sinh.
Tổn thương da do kiến 3 khoang. Ảnh minh họa
Phòng tránh kiến 3 khoang
Khi nhìn thấy kiến ba khoang bám trên người, hay quần áo, đồ đạc trong nhà, tuyệt đối không dùng tay giết, chà xát. Hãy thổi chúng ra xa, hoặc để một tờ giấy vào cho nó bò lên để lấy nó ra khỏi người. Sau đó rửa sạch vùng da đã tiếp xúc với loài côn trùng này bằng nước sạch – xà phòng, bôi thuốc sát trùng nhẹ.
Theo hướng dẫn của Thạc sĩ, bác sĩ Mai Hương (BV Nhi trung ương), đề phòng côn trùng bay vào nhà hãy hạn chế mở cửa nhiều, nhất là nơi ở gần cây cối, cánh đồng… Nên đóng cửa, kéo rèm, hạn chế bật đèn và tránh dùng đèn neon, đèn led… vì rất hút côn trùng. Tránh đứng dưới bóng đèn sáng công cộng, hay làm việc dưới ánh đèn vì kiến ba khoang rất hay bay tới nơi có đèn sáng.
– Không dùng tay trần để bắt, giết kiến ba khoang.
– Nên ngủ trong màn. Giũ mạnh khăn mặt, quần áo trước khi dùng. Vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm quanh nhà để kiến không trú ẩn.
– Khi làm việc trên đồng ruộng, khu dân cư nhiều ánh đèn, gần công trình đang xây dựng (nhất là mùa thu hoạch, mùa mưa bão, cần mặc quần áo dài, đội mũ nón, đeo khẩu trang, đi ủng để tránh tiếp xúc với côn trùng.
– Khi bắt đầu thấy rát ở một vùng da có thể rửa vùng đó bằng nước muối loãng, xà phòng…
Theo Eva