Theo PGS Nguyễn Tiến Dũng – Nguyên trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, khi trẻ bị sốt nhưng không làm cho bé mệt, bứt rứt, khó chịu, quấy khóc, không làm chán ăn, thì không nên sử dụng thuốc hạ sốt. Việc tự sử dụng thuốc hạ sốt lúc này rất nguy hiểm.
Bác sĩ Dũng cho rằng, bất kỳ loại thuốc điều trị nào, kể cả thuốc hạ sốt thông thường cho trẻ em, cũng phải có chỉ định từ bác sĩ điều trị mới thật sự an toàn.
Trong những trường hợp chưa kịp đưa trẻ đến khám bác sĩ, phụ huynh có thể đến nhà thuốc mua thuốc hạ sốt cho trẻ uống nhưng tuỳ trường hợp, đặc biệt là không tự ý dùng thuốc hạ sốt cho trẻ nhỏ dưới 3 tháng tuổi khi chưa có ý kiến của bác sĩ.
Loại thuốc hạ sốt sử dụng cần phù hợp theo nhóm tuổi của trẻ và “khả năng uống thuốc của trẻ”. Khi cho trẻ uống, cha mẹ cần xem kỹ liều lượng thuốc hạ sốt. Cơ bản cần dựa trên cân nặng thực tế của trẻ để đảm bảo tính an toàn và hiệu quả hạ sốt nhanh cho trẻ.
Có hai loại thuốc hạ sốt đang được bán trên thị trường là paracetamol và ibuprofen. Theo PGS Dũng, hai thuốc này hạ sốt tương đương nhau.
Các nước châu Á đang có dịch sốt xuất huyết hoành hành. Nếu các cháu sốt không biết do sốt xuất huyết hay sốt thường thì không nên dùng ibuprofen. Vì uống ibuprofen khi bị sốt xuất huyết có thể làm bệnh nặng lên.
Paracetamol (còn gọi là acetaminophen) đây là loại thuốc hạ sốt an toàn và hiệu quả dành cho trẻ em được hầu hết các bác sĩ cho dùng. Trẻ uống đúng liều theo chỉ định là 10mg – 15 mg/kg/lần khi sốt trên 38,5 độ C.
Ibuprofen có tác dụng hạ sốt mạnh hơn paracetamol, tuy nhiên việc dùng ibuprofen phải có chỉ định và sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ vì thuốc hạ sốt dạng này có rất nhiều tác dụng phụ. Liều dùng 20-30mg/kg/ngày hoặc 7-10mg/kg mỗi 6-8 giờ đường uống, không dùng cho trẻ dưới 6 tháng.
Các nhà khoa học làm nghiên cứu so sánh hai thuốc xem thuốc nào hạ sốt nhanh hơn, kết quả cho thấy thuốc ibuprofen hạ sốt nhanh hơn, kéo dài hơn pracetamol nên một số bác sĩ đã kê hai thuốc này đan xen nhau. Nhưng thực tế tác hại sẽ nhiều vì xen kẽ hai thuốc khác nhau.
Đặc biệt lưu ý, khi đo nhiệt độ, chỉ một tiêu chuẩn đo ở nách, không đo ở mồm, trán, hậu môn. PGS Dũng cho rằng nhiều phụ huynh đo ở trán, đo ở tai… tất cả đều không đúng vì quy định chung trên thế giới, chỉ uống thuốc hạ sốt khi trẻ sốt cao 38,50 độ và phải đo ở nách.
PGS Dũng nhấn mạnh khi cho con uống thuốc hạ sốt, phụ huynh cần tuân thủ khoảng cách an toàn giữa 2 lần sử dụng thuốc, để phòng ngừa tình trạng quá liều lâu dần có thể dẫn đến ngộ độc cấp tính rất nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.
Theo Suckhoedoisong