Mỗi ngày, cơ thể sản xuất khoảng 1,5 lít nước bọt. Nước bọt là một chất diệt khuẩn tự nhiên và đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe.
Tiến sĩ Kimberly Harms, phát ngôn viên của Hiệp hội Nha sĩ Hoa Kỳ cho biết: “Nó bảo vệ lợi, ngăn chặn sâu răng, làm sạch các mảng thức ăn, thành phần nước bọt có chứa chất chống lại các bệnh nhiễm khuẩn”.
Vì thế, trạng thái của nước bọt có thể cung cấp một số thông tin về sức khỏe, hãy chú ý đến những dấu hiệu sau.
1. Tiết ít nước bọt
Có thể là do thuốc mà bạn đang sử dụng. Tình trạng khô miệng có xu hướng xuất hiện nhiều dần theo độ tuổi và tình trạng sử dụng nhiều thuốc của cá nhân.
“Có hơn 300 loại thuốc có tác dụng phụ là gây khô miệng như thuốc kháng histamine, thuốc thông mũi”, tiến sĩ Harms cho biết.
Nếu tình trạng khô miệng xuất hiện khi đang dùng thuốc thì cần chú ý vệ sinh răng miệng nhiều hơn để tránh sâu răng.
Sử dụng chỉ nha khoa, đánh răng 2 lần/ngày với kem đánh răng có chứa flo và đến gặp nha sĩ là những điều cần làm.
2. Trắng và vón cục
Bạn có thể đang bị nhiễm trùng vùng miệng. Nấm Candida ablbicans có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng nhiễm nấm vùng miệng và thường được gọi là “tưa miệng”, tiến sĩ Harms cho biết.
Nấm miệng rất hiếm gặp ở người trưởng thành, nhưng đối với bệnh nhân đái tháo đường, tình trạng đường xuất hiện ở nước bọt là điều kiện để nấm phát triển.
Thuốc kháng nấm có thể được chỉ định trong trường hợp này. Khô miệng cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nước bọt vón cục.
3. Chứa các phân tử RNA
Như một cửa sổ mở vào bên trong cơ thể, xét nghiệm nước bọt cung cấp hàng tá thông tin về cấu trúc gen và hormone.
Từ đái tháo đường đến bệnh ung thư, nước bọt hứa hẹn sẽ là một công cụ xét nghiệm hiệu quả để chẩn đoán bệnh như xét nghiệm máu, một nghiên cứu được đăng tải trên Clinnical Chemistry cho biết.
Xét nghiệm nước bọt có thể đánh giá nồng độ hormone cơ thể như hormone melatonin, được thực hiện trong một nghiên cứu của đại học Northwestern.
Xét nghiệm này cung cấp cho các bác sĩ về nhịp sinh học của bệnh nhân, từ đó có những điều chỉnh giúp họ có một giấc ngủ tốt hơn, cảm giác ngon miệng hơn.
4. Có quá nhiều axit
Có thể là chúng ta không nhận ra được sự khác biệt nhưng nồng độ pH trong miệng là trung tính (độ pH khoảng 7), tiến sĩ Israel Kleinberg, giám đốc bộ phận tại Khoa Sinh học miệng và bệnh lý ở trường Đại học Stony Brook, Mỹ cho biết.
Tiến sĩ Kleinberg cho biết thêm nếu pH vùng miệng thay đổi, vi khuẩn có thể sinh sôi trong những ngóc ngách và vết nứt ở răng.
Nước bọt có môi trường pH axit có thể làm mòn và gây sâu răng. Thực phẩm giàu arginine như thịt đỏ hay thịt gia cầm có thể làm giảm độ axit của nước bọt.
5. Tiết quá nhiều nước bọt
Nghiên cứu cho thấy phụ nữ mang thai có xu hướng tiết nhiều nước bọt. Điều này là do thay đổi hormone hoặc là một tác dụng phụ của cảm giác buồn nôn. Một thanh kẹo cao su hoặc một viên kẹo có thể giúp bạn trong trường hợp này.
6. Nước bọt có vị chua
Có thể bạn đang bị trào ngược axit dạ dày. Axit dạ dày bị đẩy ngược lên cổ họng. Ngoài cảm giác chua miệng, triệu chứng thường gặp nhất trong trường hợp này là chứng ợ nóng.
Cảm giác buồn nôn và hơi thở khó chịu cũng là các vấn đề gặp phải. Nếu được chẩn đoán chứng trào ngược, bạn cần phải thay đổi lối sống, tránh các thực phẩm cay nóng, dầu mỡ…
7. Nước bọt dính lưỡi
Có thể là bạn đã thở bằng miệng. Hít thở bằng mũi là cách tốt nhất giữ cho miệng bạn đủ nước. Bởi vì nước bọt là một chất kháng khuẩn tự nhiên trong miệng nên không có nó, vi khuẩn và sâu răng sẽ phát triển.
Tiến sĩ Harm cho biết, một nghiên cứu tổng quan về nha khoa cũng phát hiện ra rằng, ở trẻ em và người lớn thở bằng miệng có thể gặp phải các vấn để sức khỏe như chứng ngưng thở khi ngủ. Nếu bạn thở bằng miệng hãy nói điều này cho nha sĩ của mình.
Theo Suckhoedoisong