Sốt không phải lúc nào cũng nghiêm trọng. Thông thường, chúng chỉ là cách để cơ thể chống lại bệnh nhiễm khuẩn. Nếu bạn lo lắng khi nhiệt độ quá cao, những lời khuyên này sẽ giúp bạn.
Bạn nên liên hệ với bác sĩ hoặc đến phòng khám nếu bạn bị sốt và có bất kỳ triệu chứng nào khác dưới đây:
Khi sốt kéo dài hơn 48 giờ.
Trẻ dưới 3 tháng tuổi có nhiệt độ trên 100.3 F( tương đương 38 độ C).
Khi đi kèm với nôn mửa hoặc tiêu chảy kéo dài hơn 12 giờ hoặc có máu.
Khi đi kèm với ho có đờm hoặc dịch nhầy màu vàng, xanh, hoặc lẫn máu.
Khi đi kèm với đau đầu nghiêm trọng, cổ cứng, buồn ngủ và nôn. Đây là trường hợp cấp cứu y tế – ngay lập tức đi đến phòng cấp cứu.
Khi sốt có chu kỳ hạ sốt rồi sốt lại, ra mồ hôi ban đêm và sưng hạch bạch huyết.
Khi sốt nhẹ đi kèm với đau họng và mệt mỏi.
Khi đi kèm với đau họng và đau đầu hơn 48 giờ.
Khi đi kèm với đau bụng, dạ dày, buồn nôn và nôn.
Khi đi kèm với một tai nạn, chấn thương.
Khi các cố gắng làm mát, hạ sốt không có hiệu quả – Đây là trường hợp khẩn cấp và bạn nên tìm sự chăm sóc y tế ngay.
Khi bạn vừa bắt đầu dùng thuốc mới và không có các triệu chứng khác.
Khi bạn cảm thấy đau hoặc buốt khi đi tiểu kèm triệu chứng đau lưng.
Mặc dù sốt thường làm mọi người lo lắng, nhưng đó là triệu chứng của bệnh, chứ không phải là bệnh. Sốt là cách cơ thể chống lại nhiễm trùng và do đó nó không phải là phản ứng có hại. Hầu hết các lý do liệt kê ở trên để có thể giúp chẩn đoán và điều trị nếu nguyên nhân của sốt là nghiêm trọng, qua đó giúp bạn tìm kiếm sự chăm sóc y tế kịp thời.
Trẻ em thường bị sốt cao, cha mẹ ngoài chú ý tới nhiệt độ, quan trọng hơn là chú ý đến hành vi của con (ngoại trừ trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi như đã nêu ở trên). Nếu bé cảm thấy tốt hơn và vẫn chơi bình thường sau khi uống thuốc hạ sốt thì không cần phải lo lắng nhiều mà nên theo dõi tiếp.
Theo Suckhoedoisong