Bệnh tiêu chảy là tình trạng đi ngoài phân lỏng 3 lần hoặc nhiều hơn mỗi ngày, trọng lượng phân bài tiết trên 200g/ ngày. Bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi…
Triệu chứng điển hình của bệnh
Người bệnh có triệu chứng đầy bụng, sôi bụng; Tiêu chảy liên tục, nhiều lần (lúc đầu phân lỏng, sau toàn nước. Trong trường hợp bị bệnh tả, phân toàn nước đục như nước vo gạo); Nôn, lúc đầu nôn ra thức ăn, sau chỉ nôn ra toàn nước trong hoặc màu vàng nhạt; Người mệt lả, có thể bị chuột rút, biểu hiện tình trạng mất nước từ nhẹ đến nặng như khát nước, da khô, nhăn nheo, hốc hác, mắt trũng, mạch nhanh, huyết áp hạ, có khi không đo được huyết áp, tiểu tiện ít hoặc vô niệu, chân tay lạnh… và có thể dẫn đến tử vong.
Bệnh tiêu chảy chịu tác động trực tiếp từ các yếu tố như: Điều kiện môi trường, nước , an toàn vệ sinh thực phẩm và thói quen vệ sinh của người dân. Bệnh có thể lây lan nhanh và gây thành dịch lớn, nhất là ở những khu vực đông dân cư, sử dụng chung nguồn nước ăn uống, sinh hoạt. Bệnh hay bùng phát vào mùa hè, khi thời tiết nóng ẩm là điều kiện thuận lợi c ho các mầm bệnh phát triển.
Bệnh tiêu chảy có thể phân loại theo thời gian mắc bệnh, cơ chế bệnh, mức độ nghiêm trọng của bệnh. Đối với thực hành lâm sàng thì thời gian mắc bệnh và đặc điểm bệnh là 2 yếu tố tích cực nhất trong việc chẩn đoán và điều trị.
Tiêu chảy cấp là tình trạng tiêu chảy kéo dài dưới 2 tuần. Nếu tình trạng tiêu chảy kéo dài hơn 2 tuần, được xem là tiêu chảy mãn tính.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến tiêu chảy rất đa dạng, trong đó, một số nguyên nhân thông thường gây tiêu chảy là: Nhiễm vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, thuốc men hoặc do rối loạn đường ruột.
Do virus: Rotavirus thường là nguyên nhân gây tiêu chảy ở trẻ em. Các virus khác như: Adenovirus, norwalk virus cũng gây tiêu chảy.
Virus nhân lên trong liên bào ruột non, phá hủy cấu trúc liên bào, làm cùn nhung mao, gây tổn thương men tiêu hóa các đường đôi dẫn đến làm giảm hấp thu đường đôi (lactose trong sữa).
Vi khuẩn và ký sinh trùng: Thức ăn hoặc nước bị ô nhiễm có thể truyền vi khuẩn và ký sinh trùng cho cơ thể. Ký sinh trùng Giardia lamblia như cryptosporidium có thể gây ra tiêu chảy. Vi khuẩn gây tiêu chảy thường gặp bao gồm: Campylobacter, salmonella, shigella và escherichia coli. Tiêu chảy gây ra bởi vi khuẩn và ký sinh trùng khi đi du lịch ở các nước đang phát triển và thường được gọi là tiêu chảy du lịch.
Do dùng thuốc: Nhiều loại thuốc có thể gây ra tiêu chảy, phổ biến nhất là thuốc kháng sinh. Thuốc kháng sinh tiêu diệt cả vi khuẩn tốt và xấu, có thể làm nhiễu loạn sự cân bằng tự nhiên của vi khuẩn trong đường ruột.
Không dung nạp đường: Lactose là một loại đường được tìm thấy trong sữa và các sản phẩm sữa khác. Nhiều người gặp khó khăn trong tiêu hóa lactose và bị tiêu chảy sau khi ăn các sản phẩm sữa. Enzyme cơ thể tiêu hóa lactose, nhưng đối với hầu hết mọi người mức enzyme này giảm nhanh chóng sau khi thời thơ ấu. Điều này làm tăng nguy cơ không dung nạp lactose theo độ tuổi.
Fructose, một loại đường tự nhiên được tìm thấy trong trái cây và mật ong được cho vào như là một chất làm ngọt một số đồ uống có thể gây tiêu chảy ở những người gặp vấn đề tiêu hóa nó.
Chất ngọt nhân tạo (sorbitol và mannitol) được tìm thấy trong kẹo cao su và các sản phẩm đường khác, có thể gây tiêu chảy ở một số người khỏe mạnh.
Do phẫu thuật: Một số người bị tiêu chảy sau khi trải qua phẫu thuật ổ bụng hoặc phẫu thuật loại bỏ túi mật.
Do rối loạn tiêu hóa: Tiêu chảy mạn tính có một số nguyên nhân khác, chẳng hạn như bệnh Crohn, viêm loét đại tràng, bệnh celiac, viêm đại tràng kính hiển vi và hội chứng ruột kích thích.
Điều trị như thế nào?
Những việc cần làm tại nhà: Bù dịch đường uống có thể được sử dụng để ngăn chặn bị mất nước. Các dung dịch làm ở nhà như nước cơm pha muối, nước ya-ua pha muối, súp gà và rau củ với muối cũng có thể được cho bệnh nhân dùng. Với mỗi lít nước dung dịch gạo rang hoặc ngũ cốc nấu nước cho vào từ ½ đến một thìa cà phê muối hoặc uống oresol. Tuy nhiên không nên cho bệnh nhân tiêu chảy uống dung dịch chứa quá nhiều đường và muối, vì như thế sẽ khiến việc mất nước còn trầm trọng hơn.
Cho người bệnh ăn nhẹ bằng những món ăn mềm dễ tiêu hóa
Tránh dùng những thực phẩm có gia vị, trái cây, đồ uống có cồn, cà phê, sữa trong vòng 48 giờ sau khi hết tiêu chảy. Tránh dùng kẹo cao su có chứa đường.
Nếu bệnh nhân là phụ nữ có thai nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi uống thuốc.
Cần đi khám bác sỹ hoặc nhập viện trong các trường hợp sau :
Có dấu hiệu mất nước ngày càng nặng (da khô, mắt trũng, khát nước liên tục); Tiêu chảy trầm trọng (đại tiện phân lỏng nước > 10 lần /ngày); Phân đen như bã cà phê hoặc lẫn máu; sốt.
Điều trị bằng thuốc
Dùng kháng sinh: Kháng sinh có thể giúp điều trị tiêu chảy gây ra bởi vi khuẩn hoặc ký sinh trùng. Nếu virus gây ra bệnh tiêu chảy, thuốc kháng sinh sẽ không giúp đỡ gì.
Nhóm bù nước và điện giải: Oresol là thuốc thường được dùng.
Chất hấp thụ: Attapulgit, smecta có tác dụng hấp thụ các độc tố, khí hơi trong đường ruột.
Men vi sinh: Các vi khuẩn sống (lactobacillus) được đông khô, khi vào ruột chúng sinh sôi rất nhanh tạo ra một đội quân hùng hậu trấn áp các vi khuẩn có hại như E. Coli, Rotavirus.
Điều chỉnh thuốc đang dùng: Nếu bác sĩ xác định rằng thuốc kháng sinh gây ra tiêu chảy, bác sĩ có thể sửa đổi kế hoạch điều trị bằng cách giảm liều hoặc chuyển sang thuốc khác.
Điều trị các bệnh gây triệu chứng tiêu chảy: bệnh Crohn, bệnh viêm loét đại trực tràng, hội chứng ruột kích thích…
Lời khuyên của thầy thuốc
Tăng cường vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Mỗi gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh, không đi tiêu bừa bãi; không đổ rác thải, phân xuống ao, hồ; không sử dụng phân tươi, phân chưa xử lý đảm bảo vệ sinh để bón cây trồng; Bảo đảm vệ sinh nhà cửa và môi trường xung quanh; Hạn chế ra vào vùng đang có dịch.
Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm: Thực hiện ăn chín, uống sôi, không uống nước lã, không ăn các thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn chưa được chế biến và nấu chín, các thức ăn còn sống như gỏi cá, tiết canh…; chọn mua thức ăn từ nguồn thực phẩm an toàn, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không sử dụng thực phẩm quá hạn sử dụng; các thức ăn đã nấu chín hoặc thức ăn còn dư, để từ bữa trước sang bữa sau phải được bảo quản tốt. Nếu chỉ sử dụng ngay sau một thời gian ngắn thì đậy lồng bàn, để nơi mát, thoáng gió; nếu muốn để lâu (vài tiếng trở lên) thì phải cho vào tủ lạnh, lưu ý tủ lạnh phải để ở mức độ đủ lạnh cần thiết. Rửa tay bằng xà phòng trước khi chế biến thức ăn để đảm bảo không làm nhiễm mầm bệnh từ tay bẩn vào thức ăn. Hạn chế tập trung ăn uống đông người như ma chay, đám giỗ, cưới xin, liên hoan… trong vùng đang có dịch.
Bảo vệ nguồn nước và dùng nước sạch: Nguồn nước ăn uống, sinh hoạt của các gia đình phải được bảo vệ sạch sẽ, có nắp đậy, không để nguồn nước bẩn từ bên ngoài như ao, hồ, sông, suối… chảy vào; ở những nơi không có nước máy mà đang có dịch tiêu chảy thì tất cả nước ăn uống đều phải được sát khuẩn bằng cloramin B. Cấm đổ phân, chất thải, nước giặt rửa và đồ dùng của người bệnh xuống giếng, ao, hồ, sông, suối…
Theo Suckhoedoisong