Đậu bắp có tên mướp tây, bắp chà…, được trồng nhiều ở miền Nam. Đậu bắp thuộc họ bông Malvaceace. Quả đậu bắp non làm rau ăn, được chế biến đa dạng như xào, luộc, hấp chấm mắm, nấu canh chua với cá, lươn, ăn ngon làm dậy mùi thịt cá. Các bộ phận khác của cây dùng làm thuốc chữa bệnh hiệu quả.
Đậu bắp là thức ăn quen thuộc, toàn cây đậu bắp đều có tác dụng trị bệnh.
Theo dược tính hiện đại, quả đậu bắp có chứa nhiều pectin, chất nhầy, protein, chất béo, chất xơ, Ca, P, Fe, Mg, K, Na và các loại vitamin đều là dưỡng chất có lợi cho nhiều lứa tuổi, sức khỏe. Đậu bắp chứa nhiều chất xơ thực vật là chất rất có lợi cho những người mập mỡ máu cao, táo bón, viêm ruột kết, đậu bắp vị thuốc quý cho người mập phì thừa chất.
Theo y học dân gian, đậu bắp có vị ngọt, tính mát, không độc. Chữa chứng tiêu khát, trĩ, táo bón, miệng khô khát, viêm họng, viêm tiết niệu. Xin giới thiệu một số món ăn vị thuốc từ đậu bắp:
Chữa đái tháo đường: đậu bắp non hấp cơm hoặc luộc chấm mắm thường xuyên.
Chữa phong thấp nhức mỏi: hái cả cây già phơi khô sắc uống.
Chữa chứng tiểu đục: cây tươi đậu bắp 100-150g sắc nước uống thường xuyên.
Chữa táo bón: đậu bắp thái lát phối hợp rau đay nấu canh cua ăn thường xuyên.
Chữa chứng ra mồ hôi: hạt đậu bắp già sao vàng sắc nước uống.
Chữa gút (thống phong): quả đậu bắp 200-300g luộc ăn thường xuyên.
Hạt đậu bắp già khô có thể ép lấy dầu ăn, bã làm thức ăn gia súc.
Đậu bắp không chỉ là một loại rau thường được người dân dùng luộc, xào, nướng, nấu canh chua ăn ngon mát mà còn được nhiều người dân dùng điều trị táo bón, tiểu đường, bệnh gút, thống phong, viêm tiết niệu rất hiệu quả.
Theo Suckhoedoisong