Hen là bệnh viêm mạn tính của đường thở đang ảnh hưởng tới hơn 3 triệu người Việt Nam. Cơn hen (khò khè, khó thở dữ dội) do co thắt phế quản có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu không được dự phòng và xử trí thích hợp.
Hằng năm, số bệnh nhân bị cơn hen cấp tính gia tăng vào dịp Tết. Các nguyên nhân chính gây cơn hen cấp tính: tình trạng thay đổi thời tiết; do ăn, uống, hít phải chất gây dị ứng; thay đổi cảm xúc đột ngột; hoạt động gắng sức hoặc đang bị bệnh nhiễm khuẩn: viêm họng, viêm mũi xoang, viêm phế quản…
Bệnh hen tiềm ẩn
Hen là tình trạng viêm mạn tính của đường thở (hệ thống phế quản). Khi cơn hen cấp tính đã dứt, người bệnh trở về trạng thái gần như bình thường, không bị khò khè, khó thở. Chính vì vậy họ thường chủ quan, cho rằng bệnh đã khỏi và quên rằng tình trạng viêm vẫn đang tiềm ẩn, chỉ cần có tác nhân gây kích thích là cơn hen cấp có thể bùng lên.
Phế quản bình thường – Phế quản co thắt
Đề phòng cơn hen
Cần phải làm gì để vui tết khi trong khi mắc bệnh hen, GS.TSKH. Nguyễn Năng An, Chủ tịch Hội Hen, Dị ứng Miễn dịch lâm sàng Việt Nam cho biết: “Hai điều hết sức cơ bản cần lưu ý với người mắc hen là hết sức tránh tiếp xúc với các yếu tố khởi phát cơn hen và luôn mang theo thuốc cắt cơn hen tác dụng nhanh dạng bình xịt để có thể xử trí tức thời”. Người bệnh và gia đình cần tránh các tác nhân yếu tố kích phát cơn hen:
– Thời tiết lạnh: cần mặc ấm, quàng khăn, tránh nhiễm lạnh khi ra đường.
– Bụi nhà: khi quét dọn nhà cửa đón Tết, cần đeo khẩu trang. Tốt nhất, người nhà nên dọn dẹp, trong lúc người bệnh hen đi ra ngoài.
– Khói: cần tránh xa các loại khói như: khói thuốc lá, khói bếp, khói nhang, khói than củi…
– Lông súc vật: chó, mèo, thú nhồi bông… khi hít phải có thể làm xuất hiện cơn hen.
– Mùi hóa chất: tránh sử dụng các bình xịt có mùi, làm thức ăn có mùi nặng trong nhà.
– Thức ăn đã từng gây dị ứng cần tránh (tôm, cua, hải sản…). Tránh dùng các thức ăn lạ, khi chưa biết có gây kích ứng tới đường thở hay không.
– Thận trọng khi dùng thuốc nhất là các thuốc tim mạch cần có sự chỉ định của thầy thuốc. Aspirin cũng được chứng minh có thể gây cơn hen.
– Tránh làm việc gắng sức ở người lớn và chạy nhảy nhiều ở trẻ em bị hen.
– Người bệnh hen cũng cần tránh các trạng thái cảm xúc quá mức: quá vui, quá buồn… có thể gây kích ứng cơn hen.
– Đối với người bệnh hen ở bậc 2 (đã kiểm soát bệnh được một phần) và bậc 3 (chưa kiểm soát được bệnh) cần sử dụng thuốc dự phòng theo đơn thuốc, không được tự ý bỏ thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ.
Xử trí cơn hen
Tình trạng viêm ở đường thở luôn tiềm ẩn ở bệnh nhân hen và chỉ cần có tác nhân gây kích thích là cơn hen cấp có thể bùng lên. Lời khuyên của các nhà chuyên môn đối với bệnh nhân hen là luôn mang theo thuốc cắt cơn hen tác dụng nhanh ở dạng bơm, xịt như salbutamol, terbutaline… Đây là các thuốc có tác dụng giãn phế quản nhanh giúp người bệnh nhanh chóng thoát khỏi tình trạng khó thở khi có cơn cấp. Thuốc được xịt qua đường họng và tác dụng trực tiếp vào phế quản nên thời gian tác dụng nhanh hơn dạng uống. Khi có cơn khó thở, bệnh nhân sử dụng ngay 2-4 liều xịt vào họng. Cần lưu ý, thuốc xịt hen chỉ có tác dụng tốt khi xịt thuốc đồng thời hít sâu vào. Tiếp đó, cho bệnh nhân tránh xa nơi có tác nhân gây kích ứng cơn hen, tư thế nửa ngồi, nửa nằm cho dễ thở và nhanh chóng liên lạc với bác sĩ để được hướng dẫn xử trí các bước tiếp theo (tiếp tục xịt thuốc hoặc chuyển người bệnh tới cơ sở y tế gần nhất).
Hiện nay, y học đã nghiên cứu ra các thuốc mới hoàn toàn có thể kiểm soát và dự phòng bệnh hen. Người mắc hen nên sớm tìm tới các cơ sở y tế có điều kiện đo chức năng hô hấp để khám và dùng thuốc dự phòng căn bệnh này để có sức khỏe tốt và một cuộc sống bình thường không bị ảnh hưởng bởi bệnh hen.
Theo Suckhoedoisong